Động từ trong tiếng Nhật

Nhiều bạn hay bị lẫn lộn các loại động từ với nhau. Tuy nhiên động từ trong tiếng Nhật không hề phức tạp, nó chỉ thực hiện chức năng ngữ pháp như động từ trong tiếng Việt hay tiếng Anh mà thôi. Bài này cũng sẽ giúp các bạn có thể tra cứu những điều bạn thắc mắc về cách sử dụng động từ trong tiếng Nhật.

 

Phân loại về ngữ nghĩa:
Tự động từ (自動詞, ji-doushi)
Tha động từ (他動詞, ta-doushi)

Tha động từ (“Tha” = “khác”) là động từ chỉ sự tác động của một chủ thể và một đối tượng khác, ví dụ “taberu”:
りんごを食べた。
Tôi ăn táo.
Tự động từ (“Tự” = tự thân) là động từ không phải là sự tác động lên đối tượng khác mà diễn tả hành động tự thân của chủ thể, ví dụ “okiru”:
朝5時に起きた。
Tôi thức dậy lúc 5 giờ sáng.

Cách phân biệt tự động từ Jidoushi và tha động từ Tadoushi
Các bạn chỉ cần nắm rõ ý nghĩa của động từ là sẽ biết nó là tự động từ hay tha động từ. Tha động từ thì thường đi kèm với đối tượng (và trợ từ đối tượng cách “wo”) còn tự động từ thì không. Chú ý là, đối tượng có thể bị lược (ví dụ khi đối tượng là “tôi”) nên cách duy nhất để các bạn không nhầm lẫn là các bạn phải biết ý nghĩa của động từ. Tôi xin lấy hai ví dụ sau:
起きる:Thức giấc
起こす:Đánh thức
Các bạn có thể thấy “Tự động từ – Tha động từ” thường đi thành một cặp như trên.
(1) 5時に起きます。
Tôi thức giấc vào lúc 5 giờ. (Tự động từ)
(2) 5時に起こしてください。
Xin hãy đánh thức tôi dậy vào lúc 5 giờ. (Tha động từ)
Các bạn sẽ thắc mắc ở câu 2 làm gì có đối tượng nào, nhưng thực ra ở câu 2 đối tượng “tôi” bị lược đi:
(2) 5時に起こしてください。=5時に私を起こしてください。

Trong tiếng Nhật, tự động từ và tha động từ thường đi thành một cặp. Ví dụ:
終わる:xong, kết thúc
終える:làm cho xong, (làm cho) kết thúc

Bạn có cần phân biệt tự động từ và tha động từ trong tiếng Nhật không?

Câu trả lời của tôi là “không”, bạn chỉ cần biết nghĩa của động từ đó. Tôi xin lấy ví dụ sau:
(1) 実現する
(2) 夢が実現する

Bạn nghĩ động từ trên nghĩa là gì? Sẽ có nhiều bạn nhìn chữ kanji và nói “jitsugen suru” nghĩa là “thực hiện”, và (2) “Yume ga jitsugen suru” là “Ước mơ thực hiện”. Thực ra (1) “jitsugen suru” không phải là “thực hiện” mà là “được thực hiện” (tức là bị động trong tiếng Việt).

(1) 実現する = Được thực hiện
(2) 夢が実現する = Ước mơ được thực hiện

Còn “thực hiện” phải là “実現させる” (jitsugen saseru, tức là dạng 使役 = shieki (sai khiến) trong tiếng Nhật.
Nếu các bạn nhớ rằng:
実現する = Được thực hiện
実現させる = Thực hiện
thì các bạn sẽ không nhầm lẫn nữa.

Người Nhật có hay nhầm lẫn loại động từ?

Có, ví dụ từ 実現する ở trên hay bị nhầm thành:
夢を実現する
Thực ra phải là: 夢を実現させる
Cách nhầm này cũng tương tự trong tiếng  Việt với hai cách nói sau:
Ước mơ đã được thực hiện. (Đúng)
Ước mơ đã thực hiện. (Sai)
Tương tự với động từ “owaru” (xong, kết thúc):
宿題が終わった。
Bài tập về nhà đã xong.
宿題を終わらせた。
Tôi đã làm cho xong bài tập về nhà.
終わる=xong, kết thúc
終わらせる(=終える):làm cho xong, làm cho kết thúc


Một số điều cần nhớ về tự động từ và tha động từ

(1) Tự động từ trong tiếng Nhật = Bị động trong tiếng Việt
実現する= Được thực hiện
(2) Tha động từ tiếng Nhật có thể được tạo ra bằng dạng sai khiến (shieki) của tự động từ
終わる= xong (tự động từ)
終わらせる= làm cho xong (tha động từ)
実現する= được thực hiện (tự động từ)
実現させる= thực hiện (tha động từ)
(3) Tự động từ và tha động từ thường đi thành một cặp
Ví dụ: 叶う (kanau, thành sự thực), 叶える(kanaeru, làm cho thành hiện thực)
夢が叶う:Ước mơ thành hiện thực
夢を叶える:Biến ước mơ thành hiện thực

Phân loại về cách chia:

Động từ nhóm 1 (Động từ 5 đoạn, Ngũ đoạn động từ, Godan Doushi hay 五段動詞)
Động từ nhóm 2 (Động từ 1 đoạn, Nhất đoạn động từ, Ichidan Doushi hay 一段動詞)
Động từ bất quy tắc: suru (làm), iku (đi), kuru (đến)

Động từ nhóm 1 là động từ mà khi chia sẽ dùng đủ 5 hàng (a, i, u, e, o), điển hình là “nomu” (uống):
飲む: Nguyên dạng (“uống”)
飲みます: Dạng lịch sự “masu” (hàng “i” + “masu”)
飲んで: Sai bảo / Liên kết (mu -> “nde” んで, gu -> “ide”, ku -> “ite”, còn lại -> “tte” って)
飲める: Khả năng (“có thể uống”)
飲まれる: Bị động (“bị uống”)
飲ませる: Sai khiến (shieki, “bắt uống”, “cho uống”)
飲ませられる: Bị sai khiến (“bị bắt uống”, “được cho uống”)

Động từ nhóm 2 là động từ mà khi chia chỉ dùng 1 hàng (chỉ cần bỏ “ru” ở động từ nguyên dạng), điển hình là “taberu” (ăn):
食べる: Nguyên dạng (“ăn”)
食べます: Dạng lịch sự “masu”
食べて: Sai bảo / Liên kết
食べられる: Khả năng (“có thể ăn”, thêm “rareru”)
食べられる: Bị động (“bị ăn”, thêm “rareru”)
食べさせる: Sai khiến (shieki, “bắt ăn”, “cho ăn”, thêm “saseru”)
食べさせられる: Bị sai khiến (“bị bắt ăn”, “được cho ăn”, thêm “saserareru”)

Động từ bất quy tắc:
suru する (làm):
する:Nguyên dạng
します:Dạng lịch sự “masu”
して:Sai bảo / Liên kết
できる:Khả năng
される:Bị động
させる:Sai khiến
させられる:Bị động sai khiến (bị sai khiến)

iku 行く(いく)(đi)
行く:Nguyên dạng
行きます:Dạng lịch sự “masu”
行って:Sai bảo / Liên kết (bất quy tắc ở đây, lẽ ra “ku” -> “ite”)
行ける:Khả năng
行かれる:Bị động
行かせる:Sai khiến
行かせられる:Bị động sai khiến

kuru 来る(くる)(đến, tới)
来る(くる):Nguyên dạng
来ます(きます):Dạng “masu”
来て(きて):Sai bảo / Liên kết
来られる(こられる):Khả năng
来られる(こられる):Bị động
来させる(こさせる):Sai khiến
来させられる(こさせられる):Bị sai khiến

Cách chia động từ
Động từ nhóm 1 (godan doushi, động từ 5 đoạn hay ngũ đoạn động từ) đòi hỏi khi chia phải biến đổi hàng tương ứng:
i-gyou (い行, hàng “i”) + “masu”: かえります (“về”)
e-gyou + “masu”: かえれます (“có thể về”), khả năng
a-gyou + “reru”: かえられる (“bị về”), bị động
a-gyou + “seru”: かえらせる (“bắt về, cho về”), sai khiến (shieki)
a-gyou + “serareru”: かえらせられる, bị động sai khiến (bị sai khiến)

Khi chia dạng sai bảo (“te”-form, “de”-form) của động từ nhóm 1 các bạn phải chú ý vì động từ kết thúc bởi “mu”, “nu”, “gu”, “ku”, “su” chia hơi khác. Thông thường sẽ chia là “tte” (って):
u, ru, tsu -> “tte”:
言う(いう):言って(いって)
帰る(かえる):帰って(かえって)
立つ(たつ):立って(たって)
Riêng:
su -> “shite”: 刺す(さす) → 刺して(さして) (đâm)
mu, nu -> “nde”: 飲む → 飲んで(のんで) (uống), 死ぬ(しぬ)→死んで(しんで) (chết)
gu -> “ide”: 泳ぐ(およぐ) → 泳いで(およいで) (bơi)
ku -> “ite”: 除く(のぞく) → 除いて (のぞいて) (trừ ra)
Ví dụ khác: Đọc “yomu” -> “yonde”.

Động từ nhóm 2 (ichidan doushi, động từ 1 đoạn hay nhất đoạn động từ) khi chia chỉ cần bỏ “ru” ở động từ nguyên dạng và thêm vào:
masu, te, rareru (khả năng, bị động), saseru (sai khiến), saserareru.
Chú ý là động từ nhóm 2 có dạng chỉ “khả năng” và “bị động” giống nhau (cùng chia là “rareru”).

Phân biệt động từ nhóm 1 và nhóm 2
Động từ nhóm 2 bao giờ cũng kết thúc bằng “ru” và trước đó là hàng “e” (e-gyou) hoặc hàng “i” (i-gyou), ví dụ: kaeru (変える), iru (いる = ở), iru (射る = bắn), nobiru (伸びる、伸びる = kéo dài).
Những động từ như “nomu”, “yomu”, “iu”, “taku” không kết thúc bằng “ru” nên không thể là động từ 1 đoạn (nhóm 2).

Hàng e/i + “ru” vẫn có thể là nhóm 1 (động từ 5 đoạn)
Tuy nhiên, những động từ kết thúc “ru” và trước đó là hàng “e” hoặc “i” chưa chắc đã là động từ 1 đoạn (nhóm 2), ví dụ:
kaeru (帰る = về nhà -> kaerimasu, kaette), iru (要る = cần -> irimasu, itte), ochiiru (陥る = rơi vào, rơi, mất) đều là động từ 5 đoạn (nhóm 1).

Động từ nhóm 1 và nhóm 2 khi chia dạng giả định (“nếu”) đều giống nhau
Sẽ chia là: Hàng “e” + “ba”:
nomu: nomeba (nếu uống)
taberu: tabereba (nếu ăn)

Có thể kết hợp các cách chia với nhau
Ví dụ:
走る:hasiru = chạy
走れる:hashireru = chạy được (có thể chạy)
走れば:hashireba = nếu chạy
走れれば:hashirereba = nếu chạy được